[Kiến Thức] 5 Dấu Hiệu Giày Chạy Của Bạn Đã Đến Lúc Phải “Rút Khỏi Chiến Trường”

Sang Nguyen
Đăng ngày 25/08/2020
767 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nhiều người đã bắt đầu đổ xô đi tập thể dục để tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân, đồng thời do không thể tiến hành tập luyện trong một không gian bí khí, nên họ đã bắt đầu tìm đến những khu vực ngoài trời ít người lui tới để leo núi hoặc chạy bộ. Để chạy theo phong trào, một số người cũng đã lôi đôi giày thể thao được cất trong tủ từ bao năm về trước ra mang.

Nếu như muốn bạn mang một đôi giày thể thao cũ kỹ hoặc một đôi giày đã được sử dụng khá nhiều trước kia ra chạy, vậy thì lúc này bạn phải đặc biệt chú ý đến tuổi thọ của giày rồi đấy. Mọi vật đều có tuổi thọ của chúng, giày chạy cũng không ngoại lệ, đa phần giày chạy có tuổi thọ từ 500 đến 800 km (đương nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ), sau khi trải qua một khoảng thời gian sử dụng, chúng sẽ bị mài mòn, đế giữa mất đi tính đàn hồi. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho đôi chân, thì bạn nên chú ý một số dấu hiệu “báo động” của giày chạy:



1. Đế giữa xẹp xuống 

Việc kiểm tra sự hao mòn của đế ngoài và tính đàn hồi của đế giữa là yếu tố hàng đầu của môn chạy bộ, nếu như phần đế giữa của đôi giày chạy của bạn đã xuất hiện nhiều đường vân gấp khúc (nếp nhăn), vậy thì có lẽ bạn nên cân nhắc thay một đôi giày mới rồi đấy. Chẳng hạn như trong hình bên dưới, khi quan sát khu vực đế giữa của giày, chúng ta có thể thấy nhiều đường vân dọc, nhưng đừng nhầm lẫn nhé, vì đây là thiết kế nguyên thủy của giày, nếu như xuất hiện những đường vân ngang điều đó chứng tỏ bạn đã mang đôi giày chiến này chạy khoảng 500 km rồi đấy.

Đương nhiên là việc đánh giá tuổi thọ của giày không chỉ dựa vào những đường vân ngang xuất hiện trên đế giữa, mà cách tốt nhất là phải dựa trên số liệu quãng đường thực tiễn mà bạn đã sử dụng chúng.



2. Mũi giày lỏng lẻo

Mỗi nhà sản xuất đều nỗ lực thiết kế ra những đôi giày có bề mặt đem lại sự thoải mái, cho dù là lớp lưới dệt woven, Engineering Mesh, hay thậm chí là những chất liệu nhựa đi chăng nữa thì sau khi sử dụng một thời gian, các chất liệu này cũng bị biến dạng. Một khi bạn phát hiện độ ôm của giày không như lúc ban đầu mà phải siết chặt dây giày mới cảm nhận được độ ôm đó thì lúc này bạn nên nghĩ đến việc thay một đôi giày mới rồi đó.


3. Đế giày trơn trượt mất đi độ bám đất

Các loại mặt đường mà runner thường hay gặp phải rất đa dạng bao gồm đường đất, đường nhựa, mặt nền gạch lát, v.v, cũng vì vậy mà mỗi loại giày điều có chức năng phù hợp với điều kiện mặt đường để ngăn ngừa sự trượt ngã của bạn khi di chuyển trên các mặt đường này. Tuy nhiên, nếu như khi di chuyển trên một mặt đường sạch sẽ và khô ráo mà bạn vẫn bị trượt ngã thì đương nhiên vấn đề lúc này nằm ở đôi giày mà bạn đang mang. Đế ngoài bị bào mòn mất đi độ bám cơ bản của nó cũng là một báo động cho việc thay đổi giày của bạn.



4. Viêm cân gan bàn chân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng viêm cân gan bàn chân, nhưng nếu lòng bàn chân của bạn đột nhiên căng cứng và đau khi chạy bộ thì bạn nên xem xét mối liên quan giữa cơn đau này và thời gian sử dụng của đôi giày hiện tại, một khi phần đế giữa mất đi tính đàn hồi của nó thì chân chúng ta bắt đầu phải gánh chịu lực va chạm lớn hơn khi tiếp đất, chính điều này làm cho chân bạn phát viêm và sau đó là chấn thương.



5. Trông chúng thực sự cũ lắm rồi

Điều này nghe có vẻ không hợp lý lắm. Tuy nhiên, vẻ ngoài của một đôi giày là yếu tố mà bạn có thể trực tiếp quan sát được, nếu như tình trạng đôi giày của bạn thực sự có chút không ổn, vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy cho phép chúng rút khỏi chiến trận đi, đừng tiếc nuối gì thêm nữa.

Đặc biệt là đế giữa sắp “chia tay” với thân giày thì hãy thay giày mới đi nhé!

Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn có thể ghi ngày tháng mua giày lên trên đế giữa của giày, cách này không những tiện lợi giúp bạn nhận biết chúng, đồng thời còn giúp bạn tiết kiệm thời gian trong việc quan sát tình trạng sử dụng. Nếu một đôi giày đã gắn bó với bạn suốt khoảng thời gian tập luyện trên 6 tháng thì lúc này đây bạn có thể nghĩ đến việc thay một “chiến binh” đồng hành mới rồi đấy. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều ứng dụng chạy bộ có thể giúp theo dõi tổng số km mà đôi giày đã tham gia vào các buổi tập của bạn.


[Nguồn bài viết: Running Biji]